Thoạt đọc ban đầu chúng ta thấy hai cụm từ gần gần như là giống nhau, tuy nhiên đối với dân chuyên về kế toán thì 02 cụm tự “sử dụng hóa đơn bất hợp pháp” và “sử dụng bất hợp pháp hóa đơn” là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau về bản chất và mức độ nặng nhẹ trong việc xem xét hành vi vi phạm pháp luật. Sau đây chúng ta đi xem xét, phân tích 02 vấn đề này như dưới đây:
Văn bản pháp luật hiện hành
- Nghị định 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và Nghị định 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
- Nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.
- Thông tư 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 hướng dẫn về hóa đơn
- Thông tư 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 hướng dẫn về hóa đơn
- Thông tư 37/2017/TT-BTC ngày 27/4/2017 hướng dẫn sửa đổi bổ sung Thông tư 39/2014/TT-BTC và Thông tư 26/2015/TT-BTC.
- Thông tư 10/2014/TT-BTC ngày 17/01/2014 hướng dẫn mức phạt vi phạm hành chính về hóa đơn
- Thông tư 176/2016/TT-BTC ngày 31/10/2016 sửa đổi Thông tư 10/2014/TT-BTC ngày 17/01/2014 hướng dẫn mức phạt vi phạm hành chính về hóa đơn.
- Thông tư 68/2019/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.
Thế nào là sử dụng hóa đơn bất hợp pháp?
Sử dụng hóa đơn bất hợp pháp là việc sử dụng hóa đơn giả, hóa đơn chưa có giá trị sử dụng, hết giá trị sử dụng.
Theo quy định tại Điều 22, Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014.
- Hóa đơn giả là hóa đơn được in hoặc khởi tạo theo mẫu hóa đơn đã được phát hành của tổ chức, cá nhân khác hoặc in, khởi tạo trùng số của cùng một ký hiệu hóa đơn.
- Hóa đơn chưa có giá trị sử dụng là hóa đơn đã được tạo theo hướng dẫn tại Thông tư hướng dẫn về hóa đơn, nhưng chưa hoàn thành việc thông báo phát hành hóa đơn với Cơ quan thuế quản lý trực tiếp đơn vị.
- Hóa đơn hết giá trị sử dụng là hóa đơn đã làm đủ thủ tục phát hành nhưng tổ chức, cá nhân phát hành thông báo không tiếp tục sử dụng nữa; các loại hóa đơn bị mất sau khi đã thông báo phát hành được tổ chức, cá nhân phát hành báo mất với cơ quan thuế quản lý trực tiếp; hóa đơn của các tổ chức, cá nhân đã ngừng sử dụng mã số thuế (còn gọi là đóng mã số thuế).
Thế nào là sử dụng bất hợp pháp hóa đơn?
Sử dụng bất hợp pháp hóa đơn là việc lập khống hóa đơn; cho hoặc bán hóa đơn chưa lập để tổ chức, cá nhân khác lập khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ (trừ các trường hợp được sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế bán hoặc cấp và trường hợp được ủy nhiệm lập hóa đơn theo hướng dẫn tại Thông tư hướng dẫn về hóa đơn); cho hoặc bán hóa đơn đã lập để tổ chức, cá nhân khác hạch toán, khai thuế hoặc thanh toán vốn ngân sách; lập hóa đơn không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc; lập hóa đơn sai lệch nội dung giữa các liên; dùng hóa đơn của hàng hóa, dịch vụ này để chứng minh cho hàng hóa, dịch vụ khác.
Theo quy định tại Điều 23, Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014.
Một số trường hợp cụ thể được xác định là sử dụng bất hợp pháp hóa đơn:
- Hóa đơn có nội dung được ghi không có thực một phần hoặc toàn bộ.
- Sử dụng hóa đơn của tổ chức, cá nhân khác để bán ra, để hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào không có chứng từ hoặc hàng hóa, dịch vụ bán ra để gian lận thuế, để bán hàng hóa nhưng không kê khai nộp thuế.
- Sử dụng hóa đơn của tổ chức, cá nhân khác để bán hàng hóa, dịch vụ, nhưng không kê khai nộp thuế, gian lận thuế; để hợp thức hàng hóa, dịch vụ mua vào không có chứng từ.
- Hóa đơn có sự chênh lệch về giá trị hàng hóa, dịch vụ hoặc sai lệch các tiêu thức bắt buộc giữa các liên của hóa đơn.
- Sử dụng hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ mà cơ quan thuế, cơ quan công an và các cơ quan chức năng khác đã kết luận là sử dụng bất hợp pháp hóa đơn.
Mức xử phạt sử dụng bất hợp pháp hóa đơn và sử dụng hóa đơn bất hợp pháp:
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp hoặc hành vi sử dụng bất hợp pháp hóa đơn.
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi tự in hóa đơn giả, hành vi đặt in hóa đơn giả.
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi cho, bán hóa đơn đã mua nhưng chưa lập.
- Phạt vi phạm hành chính về phát hành hóa đơn.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ có giá trị thanh toán từ 200.000 đồng trở lên cho người muatheo quy định.Cùng với việc bị xử phạt, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải lập hóa đơn giao cho người mua.
- …và nhiều mức phạt khác.