Quy định về trích lập quỹ dự phòng tiền lương 17%? [Thầy Huỳnh Minh Đại, zalo 0905583661]

1/ Chi tiền lương, tiền công và các khoản phải trả khác cho người lao động doanh nghiệp đã hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ nhưng thực tế không chi trả hoặc không có chứng từ thanh toán theo quy định của pháp luật.

Khoản 2.6, Mục 02, Điều 06 – Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, Thông tư hợp nhất thuế TNDN số 66/VBHN-BTC ngày 19/12/2019.

Đoạn này được hiểu:

  • Trích tiền lương, tiền công, tiền thưởng, các khoản trích theo lương… nhưng thực tế không chi
  • Trích tiền lương, tiền công, tiền thưởng, các khoản trích theo lương… nhưng không có chứng từ thanh toán lương, không có đầy đủ các chữ ký trên bảng lương, không có danh sách chuyển lương qua ngân hàng….

2/ Các Khoản tiền lương, tiền thưởng cho người lao động không được ghi cụ thể Điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thoả ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty.

Trường hợp doanh nghiệp ký hợp đồng lao động với người nước ngoài trong đó có ghi khoản chi về tiền học cho con của người nước ngoài học tại Việt Nam theo bậc học từ mầm non đến trung học phổ thông được doanh nghiệp trả có tính chất tiền lương, tiền công và có đầy đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trường hợp doanh nghiệp ký hợp đồng lao động với người lao động trong đó có ghi khoản chi về tiền nhà do doanh nghiệp trả cho người lao động, khoản chi trả này có tính chất tiền lương, tiền công và có đầy đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trường hợp doanh nghiệp Việt Nam ký hợp đồng với doanh nghiệp nước ngoài trong đó nêu rõ doanh nghiệp Việt Nam phải chịu các chi phí về chỗ ở cho các chuyên gia nước ngoài trong thời gian công tác ở Việt Nam thì tiền thuê nhà cho các chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam do doanh nghiệp Việt Nam chi trả được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Khoản 2.6, Mục 02, Điều 06 – Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, Thông tư hợp nhất thuế TNDN số 66/VBHN-BTC ngày 19/12/2019.
Đoạn này được hiểu:
  • Doanh nghiệp tối thiểu phải thể hiện các khoản chi phí phải trả cho người lao động thông qua Hợp đồng lao động;
  • Hoặc một trong các hồ sơ dưới đây:
    • Thoả ước lao động tập thể;
    • Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn;
    • Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty.

3/ Chi tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp phải trả cho người lao động nhưng hết thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế năm thực tế chưa chi trừ trường hợp doanh nghiệp có trích lập quỹ dự phòng để bổ sung vào quỹ tiền lương của năm sau liền kề. Mức dự phòng hàng năm do doanh nghiệp quyết định nhưng không quá 17% quỹ tiền lương thực hiện.
Quỹ tiền lương thực hiện là tổng số tiền lương thực tế đã chi trả của năm quyết toán đó đến thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ quyết toán theo quy định (không bao gồm số tiền trích lập quỹ dự phòng tiền lương của năm trước chi trong năm quyết toán thuế).
Việc trích lập dự phòng tiền lương phải đảm bảo sau khi trích lập, doanh nghiệp không bị lỗ, nếu doanh nghiệp bị lỗ thì không được trích đủ 17%.
Trường hợp năm trước doanh nghiệp có trích lập quỹ dự phòng tiền lương mà sau 6 tháng, kể từ ngày kết thúc năm tài chính doanh nghiệp chưa sử dụng hoặc sử dụng không hết quỹ dự phòng tiền lương thì doanh nghiệp phải tính giảm chi phí của năm sau.

Khoản 2.6, Mục 02, Điều 06 – Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, Thông tư hợp nhất thuế TNDN số 66/VBHN-BTC ngày 19/12/2019.
Đoạn này được hiểu:
  • Trích chi phí tiền lương, tiền công, các khoản phụ cấp… nhưng hết hạn quyết toán Thuế TNDN nhưng vẫn chưa chi hết thì chi phí tiền lương, tiền công, phụ cấp… đã trích KHÔNG ĐƯỢC TÍNH LÀ CHI PHÍ ĐƯỢC TRỪ khi tính TNCT để tính thuế TNDN. Trong đó:
    • Năm trích lương: 20xx
    • Thời hạn quyết toán thuế TNDN theo Thông tư hướng dẫn Luật quản lý thuế số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 tại điểm đ, khoản 3, Điều 10 là: 30/3/20xx+1 (90 ngày)
    • Thời hạn quyết toán thuế TNDN mới theo Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 tại Khoản 2, Điều 44 hiệu lực 01/7/2020 là: 31/3/20xx+1
  • Trường hợp doanh nghiệp có trích quỹ dự phòng tiền lương để trả cho năm sau thì phần trích lập này được xem là chi phí được trừ khi tính TNCT để tính thuế TNDN. Trong đó:
    • Năm trích lập: 20xx
    • Mức trích lập tối đa = 17% * Quỹ lương thực hiện
    • Quỹ tiền lương thực hiện là tổng số tiền lương thực tế đã chi trả của năm quyết toán đó đến thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ quyết toán (không bao gồm số tiền trích lập quỹ dự phòng tiền lương của năm trước chi trong năm quyết toán thuế).
    • DN trích lập quỹ dự phòng tiền lương mà sau 6 tháng (kể từ ngày 31/12/20xx) chưa sử dụng hoặc sử dụng không hết quỹ phải tính giảm chi phí của năm sau.
Ví dụ 01:

Khi nộp hồ sơ quyết toán thuế năm 2014, DN A có trích quỹ dự phòng tiền lương là 10 tỷ đồng, đến ngày 30/06/2015 (đối với trường hợp doanh nghiệp áp dụng kỳ tính thuế theo năm dương lịch), DN A mới chi số tiền từ quỹ dự phòng tiền lương năm 2014 là 7 tỷ đồng thì DN A phải tính giảm chi phí tiền lương năm sau (năm 2015) là 3 tỷ đồng (10 tỷ – 7 tỷ). Khi lập hồ sơ quyết toán năm 2015 nếu DN A có nhu cầu trích lập thì tiếp tục trích lập quỹ dự phòng tiền lương theo quy định.

  • Năm 2014: trích lập quỹ dự phòng tiền lương theo đúng quy định là 10 tỷ. Đến 30/6/2015 mới chi hết số tiền 7 tỷ.
  • Năm 2015:
    • Doanh nghiệp A điều chỉnh giảm chi phí tiền lương khi quyết toán thuế TNDN năm 2015 là 3 tỷ (= 10 tỷ – 07 tỷ).
    • Doanh nghiệp căn cứ quỹ lương thực hiện năm 2015 (không bao gồm khoản chi từ quỹ dự phòng 07 tỷ năm 2014) để trích lập quỹ dự phòng tiền lương phải trả năm 2016.
Ví dụ 02: Năm 2019 tiền lương, tiền công phải trả NLĐ 1.100 trđ. Hết thời hạn quyết toán, DN đã trả toàn bộ tiền công tiền lương cho NLĐ. Trong đó: 100tr chi từ quỹ dự phòng trả lương đúng quy định từ năm trước (năm 2018). Đồng thời cuối năm 2019 DN thực hiện trích quỹ dự phòng trả lương phải trả cho năm 2020 là 200tr. Xác định chi phí được trừ tối đa?

Phân tích và giải đề:

  • Tiền lương phải trả cho người lao động trong năm 2019 và đã chi trả gồm:
    • Tổng tiền lương PHẢI TRẢ là: 1.100 trđ
    • Lương thực trả trong năm 2019 là 1.000 trđ (còn gọi là Quỹ lương thực hiện)
    • Tiền lương được chi trả từ quỹ lương năm 2018 là 100 trđ (giả sử chi hết trước 30/6/2019)
  • Xác định chi phí trích lập dự phòng quỹ tiền lương năm 2019 để trả trong năm 2020:
    • Quỹ tiền lương thực hiện năm 2019 là: 1.000 trđ
    • Quỹ dự phòng tiền lương được trích tối đa vào chi phí năm 2019 theo Luật định để trả lương cho năm 2020 là: 1.000 tr * 17% = 170 trđ
    • Doanh nghiệp đã trích lập quỹ dự phòng tiền lương năm 2019 để trả lương cho năm 2020 là: 200 trđ –> Vậy, chi phí quỹ dự phòng tiền lương không được trừ trường hợp này là 200 tr – 170 tr = 30 trđ
    • Chi phí được trừ trong năm 2019 là: 1.000 + 170tr = 1.170 trđ
Ví dụ 03: Năm 2019 DN trích tiền lương, tiền công phải trả NLĐ vào chi phí kinh doanh trong kỳ 1.500 trđ. Hết thời hạn quyết toán, DN đã thanh toán cho NLĐ là 1.300 trđ (trong đó: 100tr chi từ quỹ dự phòng trả lương đúng quy định từ năm 2018). Đồng thời cuối năm 2019 DN thực hiện trích quỹ dự phòng trả lương phải trả cho năm 2020 là 200tr. Xác định chi phí được trừ tối đa năm 2019?

Phân tích và giải đề:

  • Tiền lương phải trả cho người lao động trong năm 2019 và đã chi trả gồm:
    • Tổng tiền lương PHẢI TRẢ là: 1.500 trđ
    • Lương thực trả trong năm 2019 là 1.200 trđ (còn gọi là Quỹ lương thực hiện) (=1.300 tr – 100tr)
    • Tiền lương được chi trả từ quỹ lương năm 2018 là 100 trđ (giả sử chi hết trước 30/6/2019)
  • Xác định chi phí trích lập dự phòng quỹ tiền lương năm 2019 để trả trong năm 2020:
    • Quỹ tiền lương thực hiện năm 2019 là: 1.200 trđ
    • Quỹ dự phòng tiền lương được trích tối đa vào chi phí năm 2019 theo Luật định để trả lương cho năm 2020 là: 1.200 tr * 17% = 204 trđ
    • Doanh nghiệp đã trích lập quỹ dự phòng tiền lương năm 2019 để trả lương cho năm 2020 là: 200 trđ < 204 tr –> Vậy, chi phí quỹ dự phòng tiền lương không được trừ trường hợp này là 0 đồng
    • Chi phí được trừ trong năm 2019 là: 1.200 tr + 200 tr = 1.400 trđ
Ví dụ 04: Năm 2019 DN trích tiền lương, tiền công phải trả NLĐ vào chi phí kinh doanh trong kỳ 1.500 trđ. Hết thời hạn quyết toán, DN đã thanh toán cho NLĐ là 1.300 trđ (trong đó: 100tr chi từ quỹ dự phòng trả lương đúng quy định từ năm trước, biết quỹ dự phòng tiền lương năm 2018 đã trích 150 trđ). Đồng thời cuối năm 2019 DN thực hiện trích quỹ dự phòng trả lương phải trả cho năm 2020 là 200tr. Xác định chi phí được trừ tối đa năm 2019?

Phân tích và giải đề:

  • Tiền lương phải trả cho người lao động trong năm 2019 và đã chi trả gồm:
    • Tổng tiền lương PHẢI TRẢ là: 1.500 trđ
    • Lương thực trả trong năm 2019 là 1.200 trđ (còn gọi là Quỹ lương thực hiện) (=1.300 tr – 100tr)
    • Tiền lương được chi trả từ quỹ lương năm 2018 là 100 trđ (chi không hết trước 30/6/2019 là 150 tr – 100 tr = 50 tr –> giảm chi phí quyết toán năm 2019)
  • Xác định chi phí trích lập dự phòng quỹ tiền lương năm 2019 để trả trong năm 2020:
    • Quỹ tiền lương thực hiện năm 2019 là: 1.200 trđ
    • Quỹ dự phòng tiền lương được trích tối đa vào chi phí năm 2019 theo Luật định để trả lương cho năm 2020 là: 1.200 tr * 17% = 204 trđ
    • Doanh nghiệp đã trích lập quỹ dự phòng tiền lương năm 2019 để trả lương cho năm 2020 là: 200 trđ < 204 tr –> Vậy, chi phí quỹ dự phòng tiền lương không được trừ trường hợp này là 0 đồng
    • Chi phí được trừ trong năm 2019 là: 1.200 tr + 200 tr – 50 tr = 1.350 trđ
Ví dụ 05: Doanh nghiệp A năm 2019 có thông tin về lương như sau:
  • Tổng tiền lương doanh nghiệp đã trích vào chi phí năm 2018: 5.000 trđ
  • Lương thực trả đến 30/3/2019 là: 3.500 trđ
  • Năm 2018 doanh nghiệp trích lập dự phòng quỹ tiền lương cho năm sau (năm 2019) là 595 tr (= 3.500 * 17% = 595 tr)
  • Từ 31/3/2019 (luật QLT cũ) đến 30/6/2019 doanh nghiệp chi tiếp lương năm 2018 số tiền: 400 trđ
  • Xác định chi phí được trừ tối đa NĂM 2018?

Phân tích và giải đề:

  • Tiền lương phải trả cho người lao động trong NĂM 2018 và đã chi trả gồm:
    • Tổng tiền lương PHẢI TRẢ là: 5.000 trđ
    • Lương thực trả trong năm 2018 là 3.500 trđ (còn gọi là Quỹ lương thực hiện) (phần chi tính đến 30/3/2019)
    • Từ 31/3/2019 (luật QLT cũ) đến 30/6/2019 doanh nghiệp chi tiếp lương NĂM 2018 số tiền: 400 trđ –> Chi sau ngày quyết toán 30/3/2019 không được xem là chi phí được trừ
  • Xác định chi phí trích lập dự phòng quỹ tiền lương năm 2018 để trả trong năm 2020:
    • Quỹ tiền lương thực hiện năm 2018 là: 3.500 trđ
    • Quỹ dự phòng tiền lương được trích tối đa vào chi phí năm 2018 theo Luật định để trả lương cho năm 2019 là: 3.500 tr * 17% = 595 trđ (1)
    • Doanh nghiệp đã trích lập quỹ dự phòng tiền lương năm 2018 để trả lương cho năm 2019 là: 595 trđ = 595 tr (1) ở trên –> Vậy, chi phí quỹ dự phòng tiền lương không được trừ trường hợp này là 0 đồng. Trường hợp số tiền quỹ dự phóng 595 tr này không thực hiện chi lương cho năm 2019 trước 30/6/2019 thì điều chỉnh giảm chi phí năm quyết toán 2019 số chưa chi tương ứng (đề không đề cập đến phần này).
    • Chi phí được trừ trong năm 2018 là: 3.500 tr + 595 tr = 4.095 trđ

Ths. Huỳnh Minh Đại, CCHN Đại lý thuế Tổng cục thuế – Bộ Tài chính, Phone: 0905583661 (Zalo), SaoThangNam Co.,Ltd

Tham gia bình luận:

Lịch khai giảng Liên hệ Hóa đơn điện tử